Hòa bình lập lại bao nhiêu năm thì ngần ấy năm ông Nguyễn Văn Truyền ở xóm 6, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam phải sống trong nỗi đau hậu chiến. Cả bốn người con đều chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam và trở thành gánh nặng cho đôi vợ chồng già lúc xế bóng.
Nỗi đau mang tên... da cam
Chúng tôi tìm về thăm gia đình ông Truyền vào một ngày đầu tháng 7. Đôi mắt ông đã nhòe nhưng vẫn không dấu được hàng lệ cay cay. Ông kể lại: Năm 1958, ông tham gia kháng chiến, đóng quân ở Hà Tây (cũ) rồi theo Đoàn 559 sang Nam Lào. Khoảng năm 1965 khi có nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường hành quân của đơn vị từ miền Bắc vào, ông cùng đồng đội hành quân trong đêm theo đường ôtô mới mở với vô vàn khó khăn. Trong đầu óc nhập nhằng cái nhớ cái quên của ông, có một nỗi ám ảnh, ông nhớ rõ nhất, là những trận mưa hóa chất độc hại của giặc. Những trận mưa ấy ghê gớm đến mức, nước giội xuống đâu thì cây cối xung quanh cách 40 - 50m đang xanh ngằn ngặt cũng chết khô. Hồi ấy chưa ai biết những trận mưa đó là chất độc da cam. Thế nên, lính tráng chỉ có thể đối phó một cách đơn giản là: Lấy khăn tay, dấp nước rồi cho lên mặt che lại.
Mỗi lần lên cơn các con ông lại tự cào xé mặt mình rồi cười sằng sặc
Cho tới một ngày, vào năm 1968, ông Truyền cùng đồng đội đi tuần tra gặp phục kích, ông bị chúng bắn xuyên từ sườn trái qua sườn phải. Viên đạn ác luồn qua cả khe cột sống trước khi găm lại ở phía sườn bên kia. Lập tức, ông được đồng đội khiêng về trạm phẫu thuật mổ rồi chuyển ra điều dưỡng ở Hải Dương. Xuất ngũ, ông trở về miền quê Thi Sơn lam lũ nằm dưới chân núi Cấm, kề bên sông Đáy. Rồi ông lập gia đình với bà Đinh Thị Định ở cùng làng và sinh ra những đứa con bụ bẫm.
Ông kể: “Năm đứa con, đứa nào lúc đẻ ra cũng đều bụ bẫm. Thế nhưng, ngày lớn chúng càng ngờ nghệch, thậm chí là điên loạn”.
Con chết, không có lấy tấm ảnh để thờ
Năm 2000, ông Truyền dắt bốn người con (trừ Nguyễn Văn Thùy khỏe mạnh nhất) ra bệnh viện huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam khám, người ta kết luận các con ông bị nhiễm chất độc hoá học, mức cao nhất. Năm 2001, cô con gái cả Nguyễn Thị Hoà bỗng dưng khuỵu xuống, bán thân bất toại. Ông Truyền hốt hoảng đưa con ra ngoài bệnh viện Kim Bảng điều trị, mà vừa xuống tới nơi, các bác sỹ lắc đầu trả về. Có người mách, tấm lưng còng của ông lại cõng cô con gái 32 tuổi đầu đi chữa Đông y. Ông tự tay đục đẽo một cái nạng gỗ cho con tập đi ở nhà. Trong nhiều tháng, bỗng dưng Hoà tập tễnh đi được rồi sống thêm được 3 năm. Cho tới một đêm, chị lên cơn sốt nặng, co giật rồi nằm bệt mấy ngày trên giường. Tiếng thở cứ ngày một yếu thêm, hắt lên từng đợt rồi tắt hẳn.
Trong thâm tâm ông, lại thêm một điều day dứt, cả đời con gái của Hoà chưa từng được chụp một tấm hình. Thế nên, khi Hoà ra đi, cũng không có di ảnh để lên ban thờ nhang khói. Hoà đi rồi, những đứa con ông Truyền, bà Định rứt ruột đẻ ra cũng trở bệnh nặng thêm. Từ những cô gái có thể giúp cấy lúa, chăn bò, càng lớn, Mai và Mài càng dại người đi. Căn nhà tình thương mà Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bảng và nhân dân xã Thi Sơn đóng góp dựng lên trao cho vợ chồng ông bà từ năm 2005 lúc nào cũng đầy âm thanh của tiếng chửi, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng đập phá...
Có lần, bà Định lôi Mài ra tắm khi Mài đang tâm sự với cái bóng của mình trong gương. Không chịu, thế là Mài cứ đè ngửa bà mẹ gầy guộc ra tát cật lực. Những cái tát như trời giáng với một bà lão ở tuổi 70 khiến bà chẳng kịp hoàn hồn. Khi cô con gái tát mẹ xong, nhả tay ra là cứ hềnh hệch đứng cười. Cứ bị làm phật ý là Mài lại đè ngửa bà mẹ ra, lấy sức... bóp mũi đến nghẹt thở. Bà Định bảo, chuyện bà bị những người con điên hành hung xảy ra như là cơm bữa.
Vợ chồng ông đã cõng chúng suốt quá nửa đời người, hai tấm lưng đã còng gập xuống rồi. Bà Định lôi từ trong túi ra 2 viên thuốc, là thuốc huyết áp cao của ông Truyền, lúc nào cũng phải túc trực. Đầu giường ông cũng để sẵn một viên. Hai vợ chồng ông còn phải gắng gượng, còn phải sống để tiếp tục chăm ba người con điên. “Nhìn các con ngơ ngẩn, co quắp nằm quằn quại đau đớn tôi mới hiểu được tác động ghê ghớm của chất độc hóa học mang tên dioxin từ chiến tranh để lại” - Ông Truyền nghẹn lời. Giờ đây, ở cái tuổi già xế bóng, ông bà vẫn đau đáu nỗi đau các con nhiễm chất độc da cam. Những khi trở trời, các con ông lại la hét cấu xé mặt rồi đập đầu vào tường đến chảy máu. Ông bà chỉ biết ôm chặt các con khóc.
Từ khi hòa bình lập lại, chưa một giây phút nào vợ chồng người thương binh già ấy cảm thấy cuộc sống bình yên. Tuổi cao, sức khỏe ngày một yếu ông bà mang nặng nỗi lo. Khi mình qua đời, những người con tâm thần biết nương tựa vào ai? Lúc chúng tôi ra về, bà Định lại tranh thủ ra vườn chặt buồng chuối đem ra chợ bán lo bữa ăn tối, còn ông Truyền lủi thủi ra phía hông nhà cuốc đất trồng rau. Ba người con của ông bà vẫn đứng trơ trơ nhìn khách, lâu lâu lại cười phá lên rồi bỏ chạy quanh làng.